Chào anh chị, em và bạn bè đang có dự định đi cắm trại cuối tuần ở thác Triệu Hải. Em tìm kiếm trên mạng nhưng có ít thông tin về nơi này quá, anh chị có thể chia sẻ cho chúng em chút kinh nghiệm cắm trại ở thác Triệu Hải về cách đi, lịch trình và những điều cần lưu ý khi đến thác được không ạ. Em cảm ơn rất nhiều. (Mai Lan – TP. Hồ Chí Minh)
Chào bạn Mai Lan, thác Triệu Hải (hay còn gọi là thác Đakala) nằm sâu dưới một thung lũng hoang sơ thuộc địa phận xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Đây là một thác nước đẹp và hùng vĩ, đặc biệt không khí ở đây vô cùng trong lành nên rất thích hợp để cắm trại cuối tuần. Mình vừa có chuyến dã ngoại thú vị ở đây, vì vậy mình sẽ tổng hợp một số kinh nghiệm cắm trại cuối tuần ở thác Triệu Hải, bạn hãy tham khảo nhé.
Danh mục nội dung
Kinh nghiệm cắm trại ở thác Triệu Hải 2024
Giới thiệu về thác Triệu Hải
Thác Triệu Hải nằm ở đâu? Nếu tính lên đến đỉnh thì thác Thiệu Hải cao khoảng 70m và dựng đứng nên khá hùng vĩ. Từ xa nhìn lại, thác chảy từ trên cao xuống mượt mà và nhẹ nhàng như mái tóc xõa của nàng sơn nữ giữa núi rừng. Phía trên thác có những hồ nước sâu trong vắt có thể trữ nước ngay cả cả mùa khô nên mùa nào thác cũng có nước chảy. Nước từ trên đổ xuống gặp vô số tảng đá lớn nhỏ nằm dưới chân thác rồi bắn tung tóe thành các đám bọt nước li ti như một màn sương mờ ảo.
Thác Triệu Hải nằm dưới một thung lũng rất hoang sơ và yên bình nên khung cảnh nơi đây hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thơ mộng. Những cây hoa dại khoe sắc ngọt ngào, đàn trâu mải mê gặm cỏ điểm thêm nét sinh động cho bức tranh núi rừng. Giữa trưa nắng nóng, được ngâm mình trong làn nước mát lạnh dưới dòng thác đổ và thiên nhiên thanh bình, bạn sẽ cảm nhận được sự thư giãn và thoải mái như trút bỏ mọi nỗi muộn phiền trong cuộc sống.
Đường đi tới thác Triệu Hải du lịch
Đường đi từ TP. Hồ Chí Minh đến thác Triệu Hải khá đơn giản nhưng phải băng qua vài con suối gập gềnh nên bạn hãy xe máy để tiện di chuyển. Bạn có thể tham khảo lộ trình bên dưới nhé.
- Khoảng cách từ Sài Gòn đi đến Thác Triệu Hải là gần 170km. Từ Sài Gòn, bạn đi theo hướng đường ĐT721 rồi rẽ vào QL20, tiếp tục đi thẳng bạn sẽ đến trung tâm thị trấn Madagui.
- Từ ngã 3 trung tâm thị trấn Madagui, bạn đi thêm 20km để vào sâu trong địa phận huyện Đạ Tẻh. Sau khi khoảng 20 phút, bạn sẽ nhìn thấy phía tay phải có quán nước đầu đường thì rẽ phải, tiếp tục chạy theo hướng đó là đến thác Triệu Hải.
Lịch trình đi cắm trại ở Thác Triệu Hải
Chỉ cần 2 ngày 1 đêm vào dịp cuối tuần là bạn có thể rời xa nơi ồn ào tấp nập nơi thành phố để trải nghiệm những phút giây thanh bình và không khí trong lành của vùng núi non hoang sơ. Nhóm mình khởi hành từ sáng thứ bảy, cắm trại qua đêm ở thác, chơi đến đầu giờ chiều chủ nhật rồi xuất phát về Sài Gòn.
Lưu ý: Nếu bạn đi vào mùa mưa thì khó mà chạy xe qua được nhé nhưng cũng đừng vội nản lòng, gần đó có 1 nhà dân, nếu khéo mồm miệng bạn có thể xin gửi xe tại đó, chỉ cần cố gắng cuốc bộ qua vài con suối thui hà.😉
Cắm trại ở thác Triệu Hải
Làm gì khi cắm trại ở Thác Triệu Hải? Trong chuyến đi vừa qua, nhóm mình chuẩn bị trước và mang theo lều cùng các dụng cụ cần thiết để cắm trại. Khi đi ngang qua chợ Đạ Tẻh, mình ghé vào mua ít đồ tươi và gia vị để chuẩn bị nướng vào buổi tối. Chợ khá đầy đủ nên bạn có thể đến đây mua để đảm bảo đồ tươi ngon mà không cần mua trước từ Sài Gòn nhé.
Sau khi vượt qua mấy con suối mát lạnh, việc đầu tiên tới thác là nhóm mình chuẩn dựng lều. Xung quanh thác có một bãi cỏ khá bằng phẳng và ít sỏi đá nên rất thích hợp để dựng lều cắm trại, tối đến tổ chức tiệc BBQ nhâm nhi là lý tưởng nhất.
Dựng lều xong, chúng mình mới nghỉ ngơi và tận hưởng dòng nước mát rượi, lúc này bao nhiêu mệt mỏi suốt dọc đường như tan biến hết. Ngoài dòng thác đổ mạnh ầm ầm và tiếng nước chảy sối xả, mình không nghe thấy gì khác ngoài tiếng chim kêu và thú rừng. Một nơi hoàn toàn không tiếng ồn ào của xe cộ và không khói bụi thành phố như vậy chính là lựa chọn sáng suốt cho một chuyến cắm trại cuối tuần.
Buổi tối, nhóm mình ăn uống, giao lưu hát hò giữa cảnh thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ. Ngủ lại một đêm bên thác Triệu Hải với không khí trong lành khiến mọi người đều cảm thấy thật sảng khoái. Buổi sáng sớm thức dậy, nhâm nhi tách cà phê nóng và nghe tiếng chim rừng ríu rít gọi bầy đúng là trải nghiệm không thể nào quên đối với mình.
Một số địa điểm đẹp gần thác Triệu Hải
Đến đâu khi cắm trại tại thác Triệu Hải? Nếu bạn còn thời gian và muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên nơi đây thì có thể chạy thẳng thêm đoạn nữa để đến các hồ và thác đẹp khác nhé.
- Thác Xuân Thủy (hay còn gọi là thác Dây): Cách thác Triệu Hải hơn 1km về phía Đông – Bắc. Đây cũng là một thác hùng vĩ với độ cao tầng cao nhất khoảng 30m, dọc theo chiều dài của suối có đến 7 tầng thác giật cấp. Thác này cũng có nhiều hồ nước sâu và trong vắt, rất thích hợp để tắm. Đường vào thác khá dễ đi nhưng chúng mình chỉ đến được chân thác. Thác nằm sâu giữa khe núi hẹp được rừng nguyên sinh bao quanh, vì vậy việc leo trèo lên các tầng cao rất nguy hiểm.
- Thác Xuân Đài: Nằm trên địa bàn xã Đạ Pal, từ thác Triệu Hải, bạn đi về phía Bắc khoảng 3km sẽ thấy thác này. Đây cũng là thác có 3 tầng giật cấp với tầng cao nhất khoảng 15m. Thác cũng có khung cảnh hoang sơ tuyệt đẹp và nên thơ vì được rừng già nguyên thủy bao bọc.
- Hồ Đạ Tẻh: Đây là hồ thủy lợi lớn nhất Lâm Đồng. Đầu nguồn của hồ là khu vực bảo tồn thiên nhiên chưa có sự tác động của con người. Nơi đây loài động vật và thực vật rất đa dạng. Đặc biệt, xung quanh hồ có hàng chục thác tuyệt đẹp trút nước quanh năm và đẹp không kém các thác ở Đà Lạt.
Những điều cần lưu ý khi cắm trại ở thác Triệu Hải
Để có một chuyến đi thuận lợi, bạn cần tìm hiểu các thông tin kỹ càng và lưu ý một số điều sau nhé.
Nên đi thác Triệu Hải vào thời gian nào?
Mỗi mùa, thác Triệu Hải lại có vẻ đẹp riêng nên bạn có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Mùa mưa, thác nước chảy rất mạnh và mang theo phù sa từ thượng nguồn nên nước hơi đục. Còn vào mùa khô, nước sẽ trong vắt và mát lạnh.
Những chú ý khi đến thác Triệu Hải
- Nếu đi vào mùa mưa thì có thể bạn chạy được xe qua các con suối. Khi đó, bạn hãy xin gửi xe ở nhà dân phía ngoài và đi bộ vào thác nhé.
- Sau khi dỡ lều, bạn hãy nhớ thu dọn tất cả những đồ đạc và rác thải để bảo vệ môi trường.
- Bạn nhớ mang thêm áo ấm vì nhiệt độ ở khu vực rừng núi thường giảm mạnh về đêm.
- Để có một chuyến đi an toàn, bạn cũng đừng quên các dụng cụ y tế cơ bản nhé. Bạn nên mang theo bông băng, oxy già, dầu gió, thuốc đau bụng, thuốc chống côn trùng… để kịp thời xử lý nếu không may bất ngờ xảy ra tai nạn khi cắm trại trong rừng sâu.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm những chia sẻ hữu ích khác cho chuyến đi sắp tới của mình nhé: Kinh nghiệm phượt thác Bản Giốc – Cao Bằng; Kinh nghiệm du lịch thác Đá Hàn