Phượt bằng xe máy giờ đây đã trở thành trào lưu không thể hot hơn trong cộng đồng giới trẻ. Chỉ với một chiếc xe máy và túi balo nhỏ gọn, bạn đã có thể đi đến khắp mọi nơi, khám phá nhiều vùng miền trên đất nước. Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, phượt đơn giản là vậy. Thế nhưng để có 1 chuyến đi phượt bằng xe máy diễn ra một cách hoàn hảo, bạn cần chuẩn bị nhiều thứ hơn thế. Điều quan trong nhất đó chính là bạn phải chọn được chiếc xe máy phù hợp. Tham khảo một số kinh nghiệm chọn xe máy khi đi phượt để góp phần làm cho chuyến đi của bạn diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ hơn nhé.
Danh mục nội dung
Kinh nghiệm chọn mua xe máy khi đi phượt
Khi chọn xe máy để phượt, bạn cần dựa vào rất nhiều yếu tố. Đa phần người ta sẽ dựa vào cảm tính, thứ hai sẽ là học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Bạn cần trả lời chính xác hai câu hỏi: Chọn loại xe gì? Và chọn xe của hãng nào?
Chọn loại xe máy nào khi đi phượt an toàn, thuận tiện?
Nên chọn loại xe nào khi đi phượt? Về loại xe, có 3 loại phổ biến nhất là xe ga, xe số và xe côn tay. Với xe gas, bạn sẽ thuận tiện trong việc sắp xếp hành lý vì loại xe này có kích thước lớn. Tuy nhiên, điểm trừ là khả năng leo đèo dốc thấp, không chủ động được trong việc tăng giảm số xe, nếu không may hỏng hóc trên đường đi thì việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn và chi phí thường khá cao. Có lẽ vì thế mà số ít phượt thủ lựa chọn loại xe này cho những chuyến hành trình của mình.
Loại xe thứ hai là xe số. Loại xe này giúp bạn linh hoạt trong việc tăng giảm số xe khi cần thiết, sữa chữa đơn giản hơn. Tuy nhiên, xe số có cốp nhỏ hoặc có xe không có cốp, đèn của xe phụ thuộc nhiều vào điện bình nên phải ga mạnh thì đèn mới sáng. Trong những đoạn đường khó đi, đòi hỏi ánh sáng thì việc ga mạnh lại không thể thực hiện như ý muốn. Đây là điều mà xe ga lại có nhiều ưu điểm hơn vì đèn luôn sáng đều.
Còn với xe côn tay, đúng như cái tên, việc tăng giảm số xe đều được điều khiển bởi tay côn. Ưu điểm có xe côn tay là bình xăng lớn, chứa được lượng xăng nhiều hơn các loại xe khác. Tuy nhiên, thay vào đó, xe côn tay lại tiêu thụ xăng nhiều nên tính ra có thể tương đương nhau. Ngoài ra, xe côn tay thường không có cốp hoặc cốp nhỏ. Bạn sẽ phải mang thêm túi, đồng thời để lái loại xe này, cần làm quen với một số kỹ thuật phức tạp để xử lý những tình huống trên đường đi.
Chọn hãng xe máy khi đi phượt
Về hãng xe, các hãng xe máy phổ biến để phượt thường được lựa chọn là Honda, Suzuki, Yamaha. Vậy nên chọn xe máy hãng Honda, Yamaha hay Suzuki?
Honda nổi tiếng với các sản phẩm xe bền, tiết kiệm nhiên liệu. Khi đi đường, gặp sự cố phải thay thế phụ tùng đều rất dễ dàng, giá rẻ , dễ kiếm thậm chí bạn có thể sử dụng các phụ tùng hãng khác hay “hàng chợ.” Trái ngược với nó, Yamaha tiêu thụ nhiều nhiên liệu hơn rất nhiều. Khi cần thay phụ tùng thì yêu cầu hàng của hãng và chi phí khá đắt. Suzuki chạy tốn ít nhiên liệu nhưng vẫn có nhiều hạn chế như phụ tùng thay thế khó kiếm, chi phí bỏ ra cao. Nếu chỉ xét về độ phổ biến của phụ tùng – cái mà khi đi phượt vô cùng quan trọng thì Honda là sự lựa chọn hàng đầu dành cho bạn, sau đó là Yamaha và cuối cùng là Suzuki.
Các dòng xe phổ thông, dễ điều khiển như Wave, Future, Dream, Sirius,… là những chiếc xe được đánh giá là những chiếc xe phượt tốt nhất. Bởi phụ tùng rất dễ kiếm, sửa chữa dễ thậm chí bạn có thể tự sửa. Đồng thời những chiếc xe này cũng có mức tiêu thụ xăng ở mức vửa phải, điều này rât scó lợi trong chuyến đi, giúp bạn vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tiết kiệm được thời gian dừng xe để nạp năng lượng cho xe.
Ngoài ra, còn có số dòng xe máy xuyên địa hình đã và đang được các phượt thủ tin tưởng lựa chọn như Minsk, Honda Win 100, “Cào Cào”,… Đây đa số là những dòng xe “cổ”, ưu điểm là có thể thích nghi với các loại địa hình phức tạp. Tuy nhiên, là xe cổ nên không thể tránh khỏi các hỏng hóc trên đường đi dù đã tân trang kỹ trước cuộc hành trình. Bạn chắc đã từng chứng kiến những đoàn phượt bằng xe Minsk luôn có thêm một xe chưở các thùng đồ mang theo phụ tùng để sửa chữa. Để có thể phượt bằng những loại xe này, bạn cần học những kỹ năng hay bài học cơ bản để có thể tự sửa chữa. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các phụ tùng thay thế cho những chiếc xe có tuổi thọ lâu năm như thế này cũng không phải là điều dễ dàng.
Ngoài các loại xe cổ còn có 1 dòng nữa đó là xe motor – một loại xe đắt tiền. Tuy nhiên, không vì thế mà loại xe này phù hợp cho những chuyến phượt. Những quán sửa xe dọc đường đặc biệt là vùng rừng núi, sẽ rất khó khăn để cho bạn tìm được những phụ tùng để thay thế và người thợ sửa xe không hẳn sẽ có đủ trình độ để sửa chữa những chiếc xe đắt tiền này.
Một số lưu ý trước khi bắt đầu chuyến phượt bằng xe máy
– Trước khi bắt đầu chuyến đi, bạn cần kiểm tra lại thật cẩn thận, tân trang sao cho chiếc xe đồng hành có một thể trạng tốt nhất. Đặc biệt chú ý đế phanh xe và lốp bởi đây là hai bộ phận rất quan trọng trong suốt hành trình. Xe phải có 2 gương. Mũ bảo hiểm bạn đội trong suốt hành trình cần là dùng loại có chất lượng tốt, không mang tính chất đối phó.
– Để đối phó các tình huống xảy ra trên đường đi, bạn nên chuẩn bị một số vật dụng cần thiết như áo mưa, dụng cụ sửa xe cơ bản, đồ bảo hộ,… Chuẩn bị đồ chạy xe một cách kỹ càng sẽ giúp mang đến cho bạn chuyến đi an toàn và suôn sẻ hơn. Nhớ mang theo giấy tờ xe, bằng lái xe và các giấy tờ cần thiết để sử dụng trong chuyến đi.
– Căn chỉnh thời gian xuất phát hợp lý để hạn chế việc đi đường đêm. Bởi đi đường đèo vào ban đêm vô cùng nguy hiểm.
– Nắm vững một số kỹ năng cơ bản để xử lý các trường hợp hay gặp phải trên đường đi. Tiêu biểu là thủng săm. Đây là vấn đề thường xuyên gặp phải của phượt thủ. Vì thế nên thay săm xe máy luôn là kỹ năng cơ bản bạn cần phải biết. Bạn nên tham khảo hướng dẫn thay săm xe máy khi đi phượt để biết cách ứng phó trong trường hợp không may gặp phải. Bạn nên mang theo 2 cái săm và 1 cái buzi theo đúng chủng loại chiếc xe của bạn.
– Thăm dò, tìm hiểu kỹ về tình hình giao thông đi lại, khí hậu tại địa phương mình đến để từ đó có những lịch trình phù hợp, đồng thời căn chỉnh thời gian nghỉ ngơi, bảo trì xe cho phù hợp.
– Khi đi phượt theo nhóm, người dẫn đầu cần có những kỹ năng điều khiển đoàn nhất định. Cần đặt ra những ký hiệu nhằm báo hiệu nhanh nhất cho những người phía sau trong trường hợp gặp đoạn đường cần giảm tốc độ, gặp khu dân cư, gặp đường đèo hay chuẩn bị cùng tăng tốc…
Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham khảo thêm: Những ngọn núi du lịch cực đẹp, hot nhất Việt Nam hiện nay; Tổng hợp giá vé tham quan toàn quốc 2024 mới nhất, chi tiết