Quanh Hà Nội có chỗ nào đi chơi 1 ngày để bạn sống ảo cháy máy? Cuối tuần trước, mình và nhóm bạn thân đã có 1 ngày khám phá Đường Lâm và dưới đây là kinh nghiệm phượt Đường Lâm 1 ngày bao vui, bao ảnh deep cho bạn xách xe lên ngay cuối tuần này.
Danh mục nội dung
- 1 Kinh nghiệm du lịch làng cổ Đường Lâm 2024
- 1.1 Đôi nét về làng cổ Đường Lâm
- 1.2 Nên đến Đường Lâm vào thời gian nào?
- 1.3 Đến Đường Lâm bằng phương tiện nào?
- 1.4 Lịch trình gợi ý du lịch Đường Lâm 1 ngày
- 1.5 Những điểm tham quan ở lặng cổ Đường Lâm
- 1.6 Ăn gì ở Đường Lâm? Món ăn ngon ở Đường Lâm
- 1.7 Một vài lưu ý khi du lịch Đường Lâm
- 1.8 Bài viết liên quan
Kinh nghiệm du lịch làng cổ Đường Lâm 2024
Đôi nét về làng cổ Đường Lâm
Làng cổ Đường Lâm nói cổ nhưng lại chẳng phải như vậy. Trên đường đi, mình nghĩ rằng ngôi làng mình sắp đến sẽ giống trên các bộ phim truyền hình mà mình vẫn xem. Và mình hoàn toàn bị bất ngờ khi đặt chân tới đây.
Làng cổ Đường Lâm cách Hà Nội khoảng 45km, thuộc huyện Sơn Tây- Hà Nội và vẫn giữ nhiều nét văn hóa, kiến trúc của làng xóm Việt Nam 200-300 năm trước. Ngôi làng được biết đến vì vẫn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc cổ xưa cùng văn hóa của làng quê Bắc Bộ Việt Nam với cây đa, bến nước, sân đình, đường làng, đụn rơm, ….
Và chỉ cần 1 ngày là đủ để bạn khám phá khung cảnh thanh bình, hòa mình vào cuộc sống dân giã của miền quê Bắc Bộ Việt Nam.
Nên đến Đường Lâm vào thời gian nào?
Bất cứ thời gian nào bạn đều có thể đến Đường Lâm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm phượt Đường Lâm mà mình tích lúy được thì vào tháng 9 sẽ có mùa lúa chín còn tháng 5 bạn sẽ được chiêm ngưỡng thêm những con đường làng rát đầy rơm khô. Rất mộc mạc và dân giã phải không nào?
Đến Đường Lâm bằng phương tiện nào?
Phương tiện để đi đến làng cổ Đường Lâm rất da dạng. Nếu bạn đang sinh sống và học tập ở Hà Nội như mình thì bạn có thể lựa chọn 1 trong 4 cách di chuyển sau.
- Nếu đi xe buýt: Bạn có thể bắt xe tuyến 70 (Kim Mã – Sơn Tây) hoặc tuyến 71 ( Mỹ Đình – Sơn Tây) hoặc tuyến 77 ( Hà Đông – Sơn Tây).
- Nếu đi xe khách: Bạn bắt xe tuyến Mỹ Đình – Phú Thọ (di chuyển khoảng 1 tiếng 15 phút)
- Nếu đi bằng oto khách: Bạn sẽ được đưa đến trước cổng làng Mông Phụ rồi từ đây đi bộ khám phá ngôi làng.
- Nếu đi xe máy: Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 cung đường sau. Đường nào cũng dễ đi nhưng mình thích đi hướng về đại lộ Thăng Long hơn vì ít xe cộ qua lại hơn hướng đi qua Nhổn.
- Hà Nội -> Đại lộ Thăng Long -> ngã ba Hòa Lạc rẽ phải theo đường 21 -> qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 -> có biển chỉ dẫn rẽ vào Làng cổ Đường Lâm.
- Hà Nội -> đi theo hướng về Nhổn -> quốc lộ 32 tới thị xã Sơn Tây -> ngã tư giao nhau với đường 21 -> có lối rẽ vào cổng làng Đường Lâm ở phía bên tay trái đường.
Lịch trình gợi ý du lịch Đường Lâm 1 ngày
Dưới đây, mình xin chi sẻ với các bạn lịch trình du lịch Đường Lâm 1 ngày của mình. Tùy vào thời gian và nhu cầu của mình mà bạn có thể lên các lịch trình cho phù hợp nhé.
- 7:00: Xuất phát từ Hà Nội theo hướng đại lộ Thăng Long.
- 8:30: Tham quan Đền Và
- 9:30: Có mặt ở Đường Lâm
- 9:30-11:30: Tham quan Cổng làng Mông Phụ, Đình Làng Mông Phụ, các nhà cổ, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh.
- 11:30: Ăn trưa. Nhóm mình đặt cơm trưa nhà bà Dương Lan (SDT: 01664105180)
- 12:00 – 14:00: Nghỉ ngơi tại quán nước đầu làng và nghe các câu chuyện lịch sử về Đường Lâm từ chính bà cụ bán nước.
- 14:00: Tham quan Đền thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, chùa Mía
- 17:00: Trở về Hà Nội theo đường cũ.
Những điểm tham quan ở lặng cổ Đường Lâm
Đi đâu khi phượt Đường Lâm? Đến Đường Lâm, bạn nên đi bộ để khám phá từng ngóc ngách, tìm hiểu từng gốc đa, giếng nước, sân đình và dưới đây là 1 vài gợi ý của mình dựa trên kinh nghiệm phượt Đường Lâm cuối tuần vừa qua.
- Chùa Mía: Nằm ngay một ngã ba trên đường tới khu di tích lăng và đền, thờ bà chúa Mía, trong chùa có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, không gian thanh tịnh và êm ả.
- Lăng Ngô Quyền: nằm cách đền Phùng Hưng 500 mét, lăng khá rộng rãi và trước mặt lăng là những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, không khí mát mẻ, trong lành. Xung quanh là các di tích khác như: rặng Duối buộc voi chiến của Ngô Quyền khi xưa, đồi Hùm nơi Phùng Hưng đánh hổ cứu dân…
- Đền thờ Phùng Hưng: Đền thờ được xây dựng trên một khu đất cao, xung quanh là cây cối tỏa bóng xanh mát.
- Nhà cổ: các ngôi nhà cổ ở đây đều có niên đại hàng trăm năm tuổi và đều được xây dựng bằng đá ong. Cư dân ở đây cũng là những người dân đã sinh sống từ rất lâu đời và có kiến thức sâu sắc về lịch sử ngôi làng cổ này, có một số nhà có nghề truyền thống làm tương với những chiếc chum xếp đầy trong sân, du khách sẽ có dịp trò chuyện để biết rõ hơn về ngôi làng cổ kính này qua những người dân.
- Đình làng Mông Phụ: Là một di tích cổ đặc biệt với ngôi nhà hai mái đốc, đây là một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc bộ.
Tuy nhiên, chỉ cần đi dọc đường làng thôi bạn cũng có thể ngắm nhìn kiến trúc cổ độc đáo xưa kia với tường làm bằng đá ong, mái ngói…
Và nếu đã mỏi chân cho cuộc hành trình khám phá này, bạn có thể thương lượng với người dân trong làng để thuê xe đạp với chi phí khoảng 20.000 đồng/xe.
Ăn gì ở Đường Lâm? Món ăn ngon ở Đường Lâm
Ăn gì khi phượt Đường Lâm? Đã về quê, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức các món ăn dân dã đậm vị thôn quê. Các món ăn được ưa thích ở Đường Lâm là gà quê luộc, mướp hương xào, rau muống luộc chấm tương Mông Phụ, kẹo dồi (một thứ quà quê bán ở quán nước cổng làng), nước chè tươi…
Với kinh nghiệm của mình, mình thấy dịch vụ ăn uống ở Đường Lâm còn hạn chế, chỉ phục vụ được một số ít người và hết sức đơn giản, do đó, khi tới làng Mông Phụ, bạn nên tìm quán ăn để đặt cơm trưa trước, sau đó mới đi khám phá ngôi làng cổ. Nếu bạn đi cùng người nước ngoài, đoàn đông… nên chuẩn bị thêm đồ ăn trưa tự túc hoặc lên xe quay về thị xã Sơn Tây để ăn trưa.
Khi về, bạn có thể mua kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi; bánh tẻ, bánh gai hay tương về làm quà cho người thân sau chuyến du lịch.
Một vài lưu ý khi du lịch Đường Lâm
– Gửi xe đúng nơi quy định
– Hãy chào khi gặp người cao tuổi trong làng
– Mua vé trước khi vào làng tham quan
– Không vứt rác bừa bãi.
– Giữ thái độ kính trọng với gia chủ
– Không được ngồi, nằm ở gian giữa trong nhà dân
– Không mặc đồ ngắn, phản cảm khi vào nơi thờ cúng
– Trước khi chụp ảnh nên xin phép gia chủ
– Khi chụp ảnh không nên quay lưng chính diện vào đình, đền, chùa- Khi vào thăm nhà cổ xin để một chút lễ (quà) lên hương án.
– Không nên tham quan vào buổi trưa vì đây là thời gian dân làng nghỉ ngơi.
Hãy dành ngày nghỉ cuối tuần để thư giãn, du lịch và dẹp bỏ mọi căng thẳng, áp lực nhé. Tham khảo thêm những điểm du lịch khác như: Kinh nghiệm du lịch Đại Lải trong ngày trọn vẹn nhất, Lịch trình du lịch Vân Long – Kênh gà 1 ngày trọn vẹn
Một địa điểm rất đáng để bạn ra khỏi giường và xách xe lên đường vào dịp cuối tuần phải không nào? Với những kinh nghiệm phượt Đường Lâm mà mình vừa chia sẻ, hy vọng bạn sẽ có một chuyến đi thú vị và tìm hiểu được nhiều nét đẹp, ý nghĩa lịch sử, kiến trúc của miền quê Bắc Bộ Việt Nam.